Sùi mào gà ở nữ: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị & phòng bệnh

Khác hẳn nam giới, sùi mào gà ở nữ khó phát hiện và điều trị bởi cấu tạo cơ quan sinh dục nữ giới phức tạp hơn. Tuy nhiên, nếu không được phát hiện sớm và điều trị đúng cách, bệnh sùi mào gà ở nữ có thể gây biến chứng nặng nề.

Sùi mào gà ở nữ là gì?

Sùi mào gà ở nữ còn có tên gọi khác là mụn cóc sinh dục, là căn bệnh do một loại virus Human Papilloma Virus (HPV) gây ra. Hiện nay virus HPV có hơn 100 chủng khác nhau, trong đó chủng HPV-6 và HPV-11 là chủng virus tác động trực tiếp gây nên sùi mào gà ở nữ giới. HPV gây sùi mào gà và HPV gây ung thư cổ tử cung là những loại HPV khác nhau.

Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là việc nổi các nốt sần hoặc mụn nhọt thành từng cụm có hình dạng như mào gà hoặc bông súp lơ tại bộ phận sinh dục nữ giới, thậm chí có thể xuất hiện ở cả miệng và lưỡi.

Bệnh sùi mào gà ở nữ
Bệnh sùi mào gà ở nữ

Không giống như nam giới, bệnh sùi mào gà nữ khó nhận biết hơn bởi cấu tạo cơ quan sinh dục nữ như âm đạo, âm vật… sâu bên trong vô cùng phức tạp. Bệnh không chỉ ảnh hưởng đến chuyện “chăn gối” vợ chồng, đời sống hạnh phúc gia đình mà có thể tác động tiêu cực đến sức khỏe phụ nữ.

Nguyên nhân mắc sùi mào gà ở nữ giới?

Bệnh sùi mào gà ở nữ giới là hậu quả của việc nhiễm virus HPV – một loại nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STI). Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), virus HPV là nguyên nhân phổ biến lây nhiễm các bệnh qua đường tình dục ở Hoa Kỳ, ảnh hưởng đến khoảng 79 triệu người, chủ yếu ở người dưới 30 tuổi. Khoảng 14 triệu ca nhiễm HPV mới được phát hiện mỗi năm. 

Bác sĩ Nguyễn Đức Hinh cho biết, sùi mào gà ở nữ có thể lây nhiễm qua nhiều con đường khác nhau, cụ thể là:

1. Lây nhiễm qua quan hệ tình dục

Đây là con đường lây nhiễm bệnh sùi mào gà ở nữ phổ biến nhất. HPV có thể lây truyền khi quan hệ tình dục không sử dụng biện pháp bảo vệ, thậm chí có thể lây truyền khi dương vật ở nam giới không đi sâu vào âm đạo ở nữ giới.

Chị em có thể bị sùi mào gà nếu tiếp xúc da kề da, hoặc quan hệ bằng đường miệng hoặc đường hậu môn với chồng/bạn tình đang nhiễm bệnh.

Sùi mào gà ở nữ lây truyền chủ yếu qua đường quan hệ tình dục không an toàn
Sùi mào gà ở nữ lây truyền chủ yếu qua đường quan hệ tình dục không an toàn

2. Lây nhiễm từ mẹ sang con

Phụ nữ mang thai bị sùi mào gà cần tích cực điều trị trước khi sinh con, vì virus này có thể từ đường sinh dục của mẹ xâm nhập vào đường hô hấp của trẻ sơ sinh, gây tử vong. Bệnh sùi mào gà có thể khiến thai phụ đối diện với nguy cơ ung thư cổ tử cung, âm đạo, âm hộ, hậu môn; chảy máu khó cầm nguy hiểm đến tính mạng; nguy cơ phải mổ lấy thai; nguy cơ lây bệnh từ mẹ sang con trong khi sinh đẻ. Vì vậy, việc điều trị khỏi bệnh cho thai phụ trước khi sinh con là rất quan trọng, giúp thai phụ tránh được những mối nguy hiểm này.

Mẹ bầu bị sùi mào gà có thể lây bệnh cho con khi sinh bé qua đường âm đạo. Ngoài ra, sau khi sinh nếu bé tiếp xúc với các nốt sần sùi trên cơ thể mẹ cũng có nguy cơ lây nhiễm bệnh vào cơ thể. Trẻ sơ sinh nhiễm virus HPV từ mẹ có thể gây tử vong.

3. Lây nhiễm qua vết thương hở

Khi tiếp xúc da thịt với người bị sùi mào gà mà không may có vết thương hở, nhiều khả năng chị em sẽ bị lây bệnh. Dịch nhầy, mủ và máu sẽ là tác nhân gây bệnh, truyền trực tiếp virus từ người bị bệnh sang người không bị bệnh.

4. Lây nhiễm do sử dụng đồ dùng chung

Các chị em có thói quen sử dụng chung đồ dùng của nhau như quần áo, khăn tắm, giày dép… mà không biết rằng có nguy cơ bị lây nhiễm nếu người kia mắc bệnh.

Bác sĩ Nguyễn Đức Hinh cho biết thêm, mụn cóc sinh dục khác với những loại mụn cóc xuất hiện ở tay, chân hoặc ở bộ phận khác trên cơ thể. Tuy nhiên, chị em vẫn có thể bị mụn cóc sinh dục nếu lấy tay chạm vào mụn cóc ở những chỗ khác rồi chạm vào vùng kín của mình.

Triệu chứng của bệnh sùi mào gà ở nữ

Do cấu tạo cơ quan sinh dục nữ giới phức tạp hơn nam giới, cộng với thời gian ủ bệnh lâu nên bệnh sùi mào gà ở nữ khó nhận biết hơn. Bác sĩ Nguyễn Đức Hinh cho biết, sùi mào gà ở nữ nói riêng và các bệnh phụ khoa nói chung, nếu được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời thì hiệu quả điều trị cao hơn nhiều so với trường hợp phát hiện muộn, can thiệp chậm trễ.

Chính vì thế, chị em cần trang bị kiến thức về những dấu hiệu nhận biết sớm sùi mào gà ở nữ giới để sớm nhận biết, điều trị hiệu quả, giảm thiểu nguy cơ lây truyền bệnh cho chồng/bạn tình của mình.

Các dấu hiệu đó là:

  • Xuất hiện nốt mụn cóc hoặc nốt sần có hình dạng mào gà ở vị trí môi lớn, môi bé của âm đạo, cổ tử cung, hậu môn hoặc vùng bẹn. Trong trường hợp cặp đôi quan hệ bằng miệng, mụn cóc có thể xuất hiện ở khoang miệng, lưỡi, cuống họng…;
  • Ở giai đoạn đầu, nốt mụn cóc có kích thước nhỏ, mềm, sờ vào có cảm giác nhám tay. Khi nặng hơn, mụn cóc lan thành một mảng lớn, có hình dạng như bông súp lơ;
  • Trong trường hợp sùi mào gà ở hậu môn, chị em có thể gặp triệu chứng tiểu khó, tiểu rát hoặc tiểu ra máu. Đại tiện gặp khó khăn, đại tiện ra máu;
  • Hầu hết nốt mụn cóc không gây ngứa hoặc đau đớn, tuy nhiên khi quan hệ tình dục các nốt mụn cóc tiếp xúc dễ bị vỡ gây chảy máu, có thể dẫn đến nhiễm trùng.

Dấu hiệu nhận biết sớm bệnh sùi mào gà ở nữ là sự xuất hiện của những nốt sùi mào gà ở cơ quan sinh dục hoặc ở miệng, họng, hậu môn…

Giai đoạn phát triển bệnh sùi mào gà ở nữ

Bác sĩ Nguyễn Đức Hinh cho biết, dựa theo quá trình phát triển và lây lan của các nốt mụn cóc mà bệnh sùi mào gà ở nữ được chia thành 5 giai đoạn như sau:

1. Giai đoạn ủ bệnh

Giai đoạn ủ bệnh được tính từ lúc virus HPV xâm nhập vào cơ thể và gây ra triệu chứng xuất hiện những nốt mụn cóc đầu tiên. Thời gian ủ bệnh này sẽ khác nhau ở mỗi người, có thể là 2 tháng hoặc có thể kéo dài hơn khoảng 9 tháng, thông thường là khoảng 3 tháng.

Giai đoạn này các triệu chứng không rõ ràng, chưa diễn tiến thành bệnh nên chị em khó nhận biết để điều trị.

2. Giai đoạn khởi phát

Có thể hiểu đây là giai đoạn đầu của bệnh. Lúc này, chị em có thể thấy những nốt sùi mào gà xuất hiện ở hai môi hoặc bên trong âm đạo, hậu môn hoặc nốt sần sùi trong cổ tử cung.

3. Giai đoạn phát triển

Đây là giai đoạn bệnh diễn tiến nặng hơn, các triệu chứng rõ nét hơn với những nốt sùi mào gà có kích thước to, dày đặc, có hình dạng như mào gà hoặc bông súp lơ.

4. Giai đoạn biến chứng

Có thể gọi đây là giai đoạn cuối của bệnh. Lúc này nguy cơ nhiễm trùng và viêm loét có thể xảy ra bởi các nốt sùi mào gà bị vỡ gây chảy máu, chảy mủ, có mùi hôi. Nếu không được điều trị kịp thời và hiệu quả, cơ quan sinh dục nữ giới có nguy cơ viêm nhiễm cao, dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như viêm âm đạo, viêm cổ tử cung…

5. Giai đoạn tái phát

Sau khi chữa bệnh, chị em vẫn có nguy cơ bị sùi mào gà lần nữa nếu chồng/bạn tình vẫn mắc bệnh hoặc chị em vẫn còn virus gây bệnh trong người, chưa điều trị triệt để. Tuy nhiên, cần đặc biệt lưu ý bởi sùi mào gà ở nữ nếu tái phát sẽ diễn tiến nặng nề và nguy hiểm hơn lần mắc bệnh đầu tiên.

Giai đoạn phát triển bệnh sùi mào gà ở nữ
Giai đoạn phát triển bệnh sùi mào gà ở nữ

Thời gian ủ bệnh sùi mào gà ở phụ nữ là bao lâu?

Như đã chia sẻ ở trên, thời gian ủ bệnh sùi mào gà ở nữ sẽ khác nhau ở mỗi người. Thời gian ủ bệnh có thể kéo dài trong 2 tháng hoặc dài hơn trong 9 tháng, nhưng thông thường là 3 tháng.

Bác sĩ Nguyễn Đức Hinh cho biết, sở dĩ thời gian ủ bệnh khác nhau là do thể trạng mỗi người cũng như nguyên nhân gây bệnh. Nếu chị em có sức đề kháng kém, thời gian ủ bệnh có thể nhanh hơn bình thường, khi virus tấn công sau 2-3 tuần đã có thể có dấu hiệu của bệnh. Với người có sức đề kháng tốt hơn, thời gian ủ bệnh này sẽ dài hơn.

Môi trường âm đạo ẩm ướt tạo điều kiện thuận lợi cho virus HPV sinh sôi và phát triển mạnh mẽ khiến bệnh sùi mào gà ở nữ giới ủ bệnh nhanh hơn ở nam giới

“Thời gian ủ bệnh sùi mào gà ở nữ giới và nam giới cũng hoàn toàn khác nhau. Nguyên nhân bởi cơ quan sinh dục nữ là âm đạo có tính chất ẩm ướt, là môi trường vô cùng thuận lợi để virus HPV tấn công và phát triển nhanh chóng. Do đó, nếu cùng mắc bệnh, thời gian ủ bệnh và biểu hiện thành triệu chứng ở nữ giới sẽ sớm hơn ở nam giới”, bác sĩ Nguyễn Đức Hinh chia sẻ thêm.

Sùi mào gà ở nữ có gây đau không?

Chắc chắn khi mắc bệnh, chị em sẽ gặp phải một số triệu chứng khó chịu do bệnh gây ra. Đầu tiên phải kể đến triệu chứng ngứa ngáy, đau rát khiến chị em gặp khó khăn trong sinh hoạt, gây tự ti trong giao tiếp hàng ngày. Nếu để lâu không điều trị, bệnh có thể gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống cũng như chất lượng công việc.

Chính vì thế, bác sĩ Nguyễn Đức Hinh khuyến cáo chị em không nên e ngại, hãy đến ngay bệnh viện để được thăm khám, thẳng thắn trình bày với bác sĩ để được tư vấn và tìm ra phương pháp điều trị phù hợp.

Sùi mào gà ở nữ có nguy hiểm không?

Sùi mào gà ở nữ là một trong những căn bệnh nguy hiểm bởi khả năng lây truyền nhanh khiến chị em cảm thấy đau đớn, mặc cảm, tự ti… Nếu không được phát hiện sớm và can thiệp điều trị kịp thời, bệnh có thể diễn tiến nặng nề gây nhiều biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng sinh sản của phụ nữ. Cụ thể là:

1. Nguy cơ bị ung thư cổ tử cung

Có hơn 100 chủng virus HPV khác nhau có thể gây mụn cóc sinh dục, nhưng không phải tất cả đều gây ung thư. Tuy nhiên, nếu chị em nhiễm cùng lúc nhiều chủng HPV, ít nhất 14 loại thì có nguy cơ gây ung thư cổ tử cung.

Thống kê cho thấy, khoảng 10,2% phụ nữ bị sùi mào gà ở cổ tử cung, 5% sùi mào gà ở âm đạo và 5% sùi mào gà ở hậu môn có thể tiến triển thành ung thư.

Ngoài ra, chị em cũng có nguy cơ bị ung thư vòm họng, ung thư cổ họng… nếu mắc bệnh sùi mào gà do quan hệ tình dục không an toàn bằng đường miệng.

2. Ảnh hưởng đến khả năng sinh sản

Nếu chồng/bạn tình bị sùi mào gà sẽ có nhiều nguy cơ bị biến dạng dương vật gây tắc niệu đạo, tắc ống dẫn tinh… ảnh hưởng đến khả năng xuất tinh ở nam giới.

Một số nghiên cứu còn cho thấy, virus HPV trong tinh dịch có thể làm giảm khả năng di chuyển của tinh trùng, khiến tinh trùng khó di chuyển sâu vào trong buồng tử cung để gặp trứng. Trong trường hợp tinh trùng có HPV vào gặp trứng và thụ tinh cũng làm tăng nguy cơ bị sảy thai.

Tâm lý e ngại, tự ti khi mắc bệnh khiến chị em không thăm khám dễ gặp nhiều biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe và khả năng sinh sản

3. Ảnh hưởng đến thai kỳ

Khi mang thai, nồng độ hormone trong cơ thể phụ nữ tăng cao khiến các nốt mụn cóc to hơn, phát triển lan rộng hơn và dễ cọ xát với nhau gây vỡ, chảy máu. Sùi mào gà không chỉ gây khó khăn cho hoạt động tiểu tiện, mà còn làm giảm sự co giãn của mô âm đạo, ảnh hưởng đến quá trình sinh nở tự nhiên, khiến mẹ bầu khó sinh thường qua ngả âm đạo.

Trẻ được sinh ra từ mẹ bầu bị sùi mào gà cũng có nguy cơ bị lây nhiễm bệnh. Thống kê cho thấy, mặc dù hiếm gặp nhưng có khoảng 4/100.000 trẻ sau khi sinh bị lây nhiễm bệnh có nguy cơ bị u nhú thanh quản khiến trẻ bị khàn giọng, khóc yếu… Nếu không được điều trị hỗ trợ, bệnh tiến triển nặng có thể lan sang khí quản và phổi, gây tắc nghẽn đường thở ở trẻ.

Sùi mào gà ở nữ có thể điều trị dứt điểm được không?

Khi được chẩn đoán bệnh, hầu hết chị em đều hoang mang và lo lắng “sùi mào gà ở nữ có chữa dứt điểm được không”. Bác sĩ Nguyễn Đức Hinh cho biết, hiện nay vẫn chưa có thuốc điều trị virus HPV, virus này vẫn có khả năng tái nhiễm, nghĩa là chị em vẫn có thể tái phát bệnh sau khi điều trị. Đồng nghĩa chị em có thể mang bệnh suốt đời, có thể có triệu chứng hoặc không có triệu chứng, và có nguy cơ lây nhiễm bệnh cho chồng/bạn tình nếu quan hệ tình dục không sử dụng biện pháp bảo vệ.

Bác sĩ Nguyễn Đức Hinh khuyến cáo, khi mắc bệnh chị em không nên tự ý sử dụng thuốc điều trị mụn cóc thông thường để điều trị sùi mào gà. Nếu điều trị sai cách có thể dẫn đến nhiều tổn thương nặng nề và nghiêm trọng hơn. Thay vào đó, chị em nên đến ngay cơ sở y tế có chuyên khoa Sản Phụ khoa uy tín để được thăm khám, chẩn đoán chính xác và có hướng dẫn phác đồ điều trị phù hợp nhất.

Khi mắc bệnh, chị em cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và hướng dẫn phương pháp điều trị phù hợp

Chẩn đoán sùi mào gà ở nữ

Ngoài việc quan sát hình dạng nốt sùi mào gà bằng mắt thường, bác sĩ Sản Phụ khoa có thể chỉ định chị em thực hiện một số kiểm tra cận lâm sàng khác để tăng độ chính xác của chẩn đoán.

Các kiểm tra đó là:

  • Xét nghiệm máu: Một số căn bệnh lây truyền qua đường tình dục như lậu, giang mai, chlamydia… có mối liên hệ mật thiết với sùi mào gà, do đó bác sĩ có thể chỉ định chị em làm xét nghiệm máu để kiểm tra sự hiện diện của các vi khuẩn, virus gây bệnh.
  • Khám hậu môn: Nhiều trường hợp sùi mào gà ở nữ không xuất hiện ở cơ quan sinh dục hoặc vùng miệng, mà lại xuất hiện ở sâu bên trong hậu môn. Vì vậy, bác sĩ có thể khám hậu môn bằng dụng cụ chuyên dụng để kiểm tra tìm nốt sùi mào gà.
  • Khám vùng chậu: Bác sĩ sẽ chỉ định phết tế bào ở cổ tử cung (xét nghiệm Papsmear) khi thăm khám vùng chậu để kiểm tra sự thay đổi ở cổ tử cung cũng như sự hiện diện của tế bào ung thư, tầm soát và ngăn ngừa ung thư cổ tử cung.
  • Sinh thiết: Bác sĩ có thể chỉ định sinh thiết và gửi mẫu mô tế bào đi đánh giá để giải phẫu bệnh nhằm đánh giá mô bệnh học, chủng virus HPV cũng như tiên lượng và nguy cơ ung thư cho người bệnh.

Phương pháp điều trị sùi mào gà ở nữ

Bác sĩ Nguyễn Đức Hinh cho biết, các phương pháp điều trị sùi mào gà ở nữ hiện nay chủ yếu là loại bỏ tổn thương và những yếu tố nguy cơ ung thư từ việc nhiễm virus HPV; giảm thiểu các triệu chứng khó chịu, phiền toái do bệnh gây ra; kiểm soát bệnh, hạn chế nguy cơ diễn tiến nặng nề gây ra nhiều bệnh lý khác và ngăn ngừa tối đa nguy cơ tái nhiễm.

1. Điều trị bằng thuốc

Một số thuốc điều trị bệnh sùi mào gà ở nữ có thể thoa trực tiếp lên da gồm:

  • Imiquimod (Zyclara, Aldara): Công dụng tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể, chống lại sự phát triển của nốt sùi mào gà. Khi sử dụng thuốc bôi, chị em không nên quan hệ tình dục bởi có thể làm giảm chất lượng của bao cao su và màng nhầy, nguy hiểm hơn là gây kích ứng da cho chồng/bạn tình.
  • Axit tricloaxetic (TCA): Công dụng đốt cháy nốt sùi mào gà, dùng trong điều trị mụn cóc bên ngoài bộ phận sinh dục.
  • Sinecatechin (Veregen): Công dụng điều trị nốt sùi mào gà bên ngoài hoặc xung quanh vùng hậu môn.
  • Podophyllin và podofilox (Condylox): Công dụng phá hủy nốt sùi mào gà, tuy nhiên không được chỉ định dùng cho điều trị sùi mào gà bên trong cơ quan sinh dục hoặc điều trị khi phụ nữ đang mang thai.
  • Interferon hoặc 5-fluorouracin: Sử dụng bằng đường tiêm với công dụng tăng cường sức đề kháng của cơ thể, tiêu diệt virus HPV. Tuy nhiên, thuốc này chỉ phù hợp cho sang thương nhỏ, ít nghiêm trọng và chi phí tương đối cao.

Mỗi loại thuốc điều trị sùi mào gà ở nữ đều đó những công dụng và tác dụng phụ nhất định, chị em không nên tự ý sử dụng khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Tốt nhất, chị em nên đến bệnh viện để được thăm khám và chẩn đoán chính xác, tùy vào tình trạng cụ thể mà bác sĩ sẽ có kê toa thuốc điều trị phù hợp, giúp điều trị hiệu quả và tránh biến chứng nguy hiểm do dùng sai thuốc.

2. Điều trị bằng phẫu thuật

Trong trường hợp điều trị bằng thuốc không mang lại hiệu quả, chị em sẽ được tư vấn phương pháp phẫu thuật để loại bỏ nốt sùi mào gà. Hiện nay, tại Trung tâm Sản Phụ khoa, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh có những thủ thuật sau:

  • Liệu pháp áp lạnh (cryotherapy): Sử dụng nitơ lỏng -196 độ C để gây bỏng lạnh vùng da xung quanh vùng nổi nốt sùi mào gà. Khi da lành lại, các tổn thương sẽ bong ra và được thay thế bằng lớp da mới.
  • Điều trị bằng laser: Sử dụng chùm ánh sáng có cường độ cao để điều trị nốt sùi mào gà, thường áp dụng cho trường hợp sùi mào gà trên diện rộng gây khó điều trị.
  • Phẫu thuật cắt bỏ: Người bệnh được gây mê tại chỗ hoặc toàn thân để cắt bỏ hoàn toàn tổn thương do nốt sùi mào gà. Phương pháp này có thể loại bỏ được 89-100% tổn thương trong một lần phẫu thuật, tuy nhiên nguy cơ tái phát vẫn cao, khoảng 19-29%.

Các biện pháp phòng ngừa tái phát sùi mào gà ở nữ sau điều trị

Mục tiêu của việc điều trị sùi mào gà ở nữ là điều trị triệu chứng, virus HPV không thể chữa dứt điểm, vẫn còn tồn tại trong cơ thể nên khả năng bệnh tái phát rất cao.

Su điều trị sùi mào gà bao lâu tái phát sẽ phụ thuộc vào sức đề kháng cơ thể, cũng như việc chị em có quan hệ tình dục an toàn hay không. Những trường hợp có khả năng tái phát bệnh cao gồm:

  • Người suy giảm hệ miễn dịch, mắc các bệnh lý mạn tính như đái tháo đường, ung thư, có khối u hoặc nhiễm virus HIV. Mẹ bầu bị sùi mào gà khi mang thai hệ miễn dịch cũng suy giảm, do đó rất dễ bị tái phát;
  • Người đang điều trị nhưng tự ý ngừng hoặc đổi phương pháp điều trị mà không có chỉ định của bác sĩ;
  • Người quan hệ tình dục không sử dụng biện pháp bảo vệ, trong khi chồng/bạn tình đang trong thời gian ủ bệnh chưa phát hiện triệu chứng;
  • Người mắc bệnh lý viêm nhiễm phụ khoa như viêm cổ tử cung, viêm âm đạo hoặc có tổn thương quanh hậu môn tạo môi trường thuận lợi cho virus HPV phát triển;
  • Người sử dụng chất kích thích, hoặc tâm lý lo lắng, căng thẳng cũng làm cho bệnh có nguy cơ tái phát.

Quan hệ tình dục an toàn và chung thủy là phương pháp hàng đầu ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh sùi mào gà ở nữ giới

Chính vì thế, để ngăn ngừa sùi mào gà tái phát, chị em cần tuân thủ đầy đủ phác đồ điều trị của bác sĩ. Bên cạnh đó, trong quá trị điều trị bệnh, chị em cần thực hiện thêm các kiểm tra bổ sung nhằm tầm soát nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác.

Chị em cần quan hệ tình dục an toàn, chỉ chung thủy một chồng hoặc bạn tình, không quan hệ bừa bãi. Không sử dụng quần áo lót, khăn tắm, chậu tắm chung; vệ sinh sạch sẽ cơ quan sinh dục hàng ngày.

Sau khi điều trị, mặc dù triệu chứng đã giảm nhưng virus HPV vẫn còn tồn tại. Do đó, chị em nên vệ sinh vùng kín sạch sẽ, sử dụng thuốc điều trị và tuân thủ tái khám đúng lịch. Nếu có quan hệ tình dục, chị em phải sử dụng bao cao su để tránh nguy cơ lây bệnh cho chồng/bạn tình.

Vai trò của vắc xin trong phòng ngừa lây nhiễm virus HPV

Virus HPV lây truyền chủ yếu qua đường quan hệ tình dục khi tiếp xúc trực tiếp da với da, niêm mạc miệng, hầu họng hoặc tiếp xúc âm đạo, tử cung, dương vật, hậu môn với người mắc bệnh.

Hiện nay, không có phương pháp điều trị triệt để virus HPV, chỉ có phương pháp dự phòng. Tiêm vắc xin ngừa HPV được xem là giải pháp hữu hiệu nhất để phòng ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục như sùi mào gà, cũng như các bệnh ung thư cổ tử cung, u nhú bộ phận sinh dục do HPV gây ra.

Vắc xin ngừa HPV được xem là giải pháp hữu hiệu phòng ngừa bệnh lây truyền qua đường tình dục

Trên đây là những thông tin cơ bản về căn bệnh sùi mào gà ở nữ giới. Hy vọng những thông tin bổ ích trên đây sẽ giúp chị em hiểu rõ hơn về nguyên nhân gây bệnh, dấu hiệu nhận biết sớm cũng như những phương pháp điều trị hiện nay

Bài viết gần đây