Ngộ độc thực phẩm là tình trạng người bệnh bị ngộ độc do thực phẩm hoặc nguồn nước bị ô nhiễm bởi vi khuẩn, hóa chất… Trên thực tế, đa phần mọi người đều biết đến các triệu chứng phổ biến của ngộ độc thực phẩm như đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy… Tuy nhiên, không phải ai cũng biết rõ các nguyên nhân ngộ độc thực phẩm là gì?
Thực chất, tìm hiểu các nguyên nhân của một vấn đề sức khỏe nào đó, bao gồm cả ngộ độc, là điều cần thiết để phòng ngừa hiệu quả hơn. Vì vậy trong bài viết sau, sẽ tổng hợp những nguồn phổ biến gây ra ngộ độc thực phẩm để bạn có thêm thông tin hữu ích nhé!
Ngộ độc thực phẩm là gì?
Ngộ độc thực phẩm còn được biết đến là tình trạng ngộ độc thức ăn (mà dân gian hay gọi là trúng thực). Người bị ngộ độc do ăn uống thường là do ăn phải những thực phẩm nhiễm khuẩn, nhiễm độc ôi thiu, biến chất, nhiều chất bảo quản… hoặc do uống nguồn nước bị ô nhiễm.
Tham khảo thêm:
- Sau khi bị ngộ độc thực phẩm nên ăn gì và tránh ăn gì?
- Cách chữa ngộ độc thực phẩm tại nhà làm giảm nhanh các triệu chứng
- Cách sơ cứu ngộ độc thực phẩm: những điều cần biết khi thực hiện
Các triệu chứng của ngộ độc thực phẩm thường bao gồm đau bụng, tiêu chảy (có thể lẫn máu), nôn mửa, sốt và đau đầu. Cái triệu chứng này có thể kéo dài từ vài giờ đến vài ngày. Trên thực tế, ngộ độc thức ăn thường tự khỏi mà không cần điều trị y tế. Tuy nhiên, nếu tình trạng này nghiêm trọng và bạn có dấu hiệu mất nước do nôn mửa, tiêu chảy kéo dài sốt trên 39 độ C, đi cầu ra máu thì cần sớm nhập viện để được điều trị.
Nguyên nhân ngộ độc thực phẩm bắt nguồn từ đâu?
Vi khuẩn, virus và ký sinh trùng là những vi trùng gây ra hầu hết các vụ ngộ độc thực phẩm. Bên cạnh đó, các hóa chất, chất độc hại có trong thực phẩm, nguồn nước đôi khi cũng có thể là nguyên nhân ngộ độc thực phẩm trong một số trường hợp.
Thông thường, các vi sinh vật có thể gây ô nhiễm thực phẩm vào bất kỳ lúc nào trong quá trình nuôi trồng, giết mổ, chế biến, bảo quản hoặc vận chuyển. Một số thực phẩm đã nhiễm bẩn từ khi bạn mua về. Tuy nhiên, ô nhiễm thực phẩm cũng có thể xảy ra tại nhà nếu bạn không biết xử lý các thực phẩm khác nhau hoặc nấu chín hay bảo quản không đúng cách. Trong đó, những thực phẩm có nguy cơ cao chứa vi sinh vật gây ngộ độc thức ăn bao gồm:
- Thực phẩm tươi sống
- Thịt, thịt gia cầm và trứng chưa nấu chín
- Cá và động vật có vỏ (tôm, cua, nghêu, sò, ốc…)
- Các sản phẩm từ sữa và nước trái cây chưa được tiệt trùng
- Thịt chế biến sẵn như xúc xích, thịt nguội, giò chả…
- Thực phẩm chế biến sẵn để bày bán, ví dụ như bánh mì sandwich, salad, thịt cắt lát…
- Thực phẩm hư hỏng, ôi thiu do không được bảo quản đúng cách.
Về con đường truyền nhiễm, vi khuẩn từ thực phẩm sống có thể lây lan sang các thực phẩm khác dễ dàng. Đồng thời, vi khuẩn từ thực phẩm bị ô nhiễm cũng có thể lây sang tay, dụng cụ nhà bếp (dao, thớt, bàn bếp…) trong quá trình bạn chuẩn bị và chế biến món ăn. Vì vậy, việc rửa tay, vệ sinh bếp thường xuyên cũng như bảo quản thực phẩm đúng cách là điều rất quan trọng để ngăn ngừa ngộ độc do ăn uống.
Nguyên nhân ngộ độc thực phẩm: Chi tiết 10 vi sinh vật gây ô nhiễm thực phẩm dẫn đến ngộ độc
Có khá nhiều tác nhân là vi khuẩn, virus hoặc ký sinh trùng gây ô nhiễm thực phẩm và dẫn đến ngộ độc khi bạn ăn uống. Mỗi loại vi sinh vật có hại có trong thực phẩm bẩn sẽ khiến bạn ngộ độc sau khi ăn với thời gian khởi phát các triệu chứng khác nhau. Sau đây, bạn có thể tìm hiểu chi tiết hơn các nguyên nhân ngộ độc thực phẩm do một số vi khuẩn, virus phổ biến gây ra:
1. Staphylococcus aureus (vi khuẩn tụ cầu)
- Thời gian khởi phát các triệu chứng: Từ 30 phút đến 8 giờ sau khi tiếp xúc
- Các triệu chứng bao gồm: Buồn nôn, nôn, co thắt dạ dày. Hầu hết người bệnh cũng bị tiêu chảy
- Nguồn thực phẩm nhiễm Staphylococcus aureus: Thực phẩm chưa được nấu chín sau khi xử lý, chẳng hạn như thịt cắt lát, bánh pudding, bánh ngọt và bánh mì sandwich.
2. Nguyên nhân ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn Vibrio
- Thời gian khởi phát các triệu chứng: Từ 2 đến 48 giờ sau khi tiếp xúc
- Các triệu chứng bao gồm: Tiêu chảy ra nước, buồn nôn, co thắt dạ dày, nôn mửa, sốt, ớn lạnh
- Nguồn thực phẩm nhiễm Vibrio: Động vật có vỏ tươi sống hoặc chưa được nấu chín, đặc biệt là hàu.
3. Clostridium perfringens
- Thời gian khởi phát các triệu chứng: Từ 6 đến 24 giờ sau khi tiếp xúc
- Các triệu chứng bao gồm: Nôn mửa, có thể kèm sốt nhưng không phổ biến
- Nguồn thực phẩm nhiễm: Thịt bò hoặc thịt gia cầm, đặc biệt là thịt quay, các món hầm, nước thịt, thực phẩm được chế biến sẵn và đóng gói.
4. Salmonella
- Thời gian khởi phát các triệu chứng: Từ 6 giờ đến 6 ngày sau khi nhiễm Salmonella
- Các triệu chứng bao gồm: Tiêu chảy, co thắt dạ dày, nôn mửa, sốt
- Nguồn thực phẩm nhiễm Salmonella: Thịt gà sống hoặc chưa nấu chín, trái cây, rau sống, trứng gà, sữa và nước trái cây chưa tiệt trùng.
5. Nguyên nhân ngộ độc thực phẩm do nhiễm Norovirus
- Thời gian khởi phát các triệu chứng: Từ 12 đến 48 giờ sau khi tiếp xúc
- Các triệu chứng bao gồm: Tiêu chảy, buồn nôn, nôn mửa, đau dạ dày
- Nguồn thực phẩm nhiễm Norovirus: Rau, hoa quả tươi, động vật có vỏ (hàu), nước ô nhiễm. Ngoài ra, Norovirus cũng có thể lây truyền từ người đang nhiễm bệnh hoặc các bề mặt có chứa virus.
6. Campylobacter
- Thời gian khởi phát các triệu chứng: Từ 2 đến 5 ngày sau khi tiếp xúc.
- Các triệu chứng bao gồm: Tiêu chảy (thường có màu), đau/co thắt dạ dày, sốt
- Nguồn thực phẩm nhiễm Campylobacter: Thịt gia cầm sống hoặc chưa nấu chín, sữa tươi chưa tiệt trùng và nguồn nước ô nhiễm.
7. Clostridium botulinum
- Thời gian khởi phát các triệu chứng: Từ 18 đến 36 giờ sau khi tiếp xúc.
- Các triệu chứng bao gồm: Nhìn mờ, song thị (nhìn thấy 2 hình ảnh của 1 vật), sụp mí mắt, khó thở, khó nuốt, khô miệng, yếu cơ và tê liệt. Các triệu chứng bắt đầu ở phần đầu và lan xuống dưới cơ thể khi tình trạng ngộ độc trở nên nặng hơn.
- Nguồn thực phẩm nhiễm Clostridium botulinum: Thực phẩm đóng hộp hoặc lên men không đúng cách; các thực phẩm giữ ở nhiệt độ ấm quá lâu như thịt cá hun khói, khoai tây nướng giấy bạc… thường là tự làm tại nhà; rượu sản xuất bất hợp pháp.
8. Nguyên nhân ngộ độc thực phẩm do nhiễm E.coli (Escherichia coli)
- Thời gian khởi phát các triệu chứng: Từ 3 đến 4 ngày sau khi nhiễm E.coli
- Các triệu chứng bao gồm: Đau bụng dữ dội, tiêu chảy (thường có máu) và nôn mửa. Ngoài ra, có khoảng 5-10% người bệnh được chẩn đoán nhiễm vi khuẩn E.coli diễn tiến nặng có nguy cơ đe dọa tính mạng.
- Nguồn thực phẩm nhiễm E.coli: Thịt bò sống xay nhuyễn hoặc chưa nấu chín, sữa và nước trái cây chưa tiệt trùng, rau sống (rau diếp), rau mầm sống, nguồn nước ô nhiễm.
9. Cyclospora
- Thời gian khởi phát các triệu chứng: Từ khoảng 1 tuần sau khi tiếp xúc
- Các triệu chứng bao gồm: Tiêu chảy nhiều nước, chán ăn, sụt cân, đau/co thắt dạ dày, đầy hơi, buồn nôn và mệt mỏi
- Nguồn thực phẩm nhiễm Cyclospora: Trái cây, rau sống và thảo mộc.
10. Nguyên nhân ngộ độc thực phẩm do nhiễm Listeria
- Thời gian khởi phát các triệu chứng: Khoảng 2 tuần sau khi tiếp xúc
- Các triệu chứng bao gồm: Nhức đầu, cứng cổ, lú lẫn, mất thăng bằng, co giật kèm theo sốt và đau cơ (chủ yếu xảy ra ở người cao tuổi). Đối với phụ nữ mang thai nhiễm Listeria, mẹ bầu sẽ gặp các triệu chứng giống với bị cúm, chẳng hạn như mệt mỏi và đau nhức cơ.
- Nguồn thực phẩm nhiễm Listeria: Phô mai, rau mầm sống, dưa lưới, xúc xích, pa-tê, thịt nguội, hải sản xông khói và sữa tươi chưa tiệt trùng.
Ngộ độc thực phẩm do chất độc hại
Có thể bạn quan tâm:
- Niacinamide là gì ?6 tác dụng của Niacinamide trong làm đẹp
- Serum HA – Tinh chất trị sẹo và cấp ẩm tuyệt vời cho da
Hầu hết những ca ngộ độc thực phẩm được chẩn đoán là do nhiễm vi khuẩn hoặc virus. Tuy nhiên, đôi khi bạn cũng có thể ngộ độc do chất độc hại có trong một số loại thực phẩm, chẳng hạn như:
- Cá và động vật có vỏ có chứa độc tố do tảo hoặc vi khuẩn tạo ra
- Các loại nấm hoang dại có độc tố
- Trái cây, rau củ chứa một lượng lớn dư lượng thuốc trừ sâu
- Thực phẩm chứa chất bảo quản vượt mức cho phép.
Nhìn chung, những nguyên nhân ngộ độc thực phẩm được tổng hợp trong bài viết chủ yếu là những nguyên nhân phổ biến. Trong một số trường hợp, bạn cũng có thể bị ngộ độc thức ăn do nhiễm ký sinh trùng nhưng khá hiếm gặp. Ngoài ra, tùy thuộc vào nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm mà các triệu chứng có thể phát triển từ nhẹ đến nặng. Do đó, điều quan trọng là bạn cần chú ý đến an toàn thực phẩm, thường xuyên rửa tay và đảm bảo ăn chín uống sôi để ngăn ngừa ngộ độc thức ăn nhé!
Tổng hợp: tonghop365.net