Ngộ độc thực phẩm không còn là tình trạng hiếm gặp, đặc biệt là khi chúng ta sống ở thời kỳ quá nhiều thực phẩm với đa dạng cách chế biến và tình trạng làm thực phẩm kém chất lượng xảy ra thường xuyên. Các triệu chứng khá nghiêm trọng và nếu không được xử lý kịp thời có thể sẽ ảnh hưởng đến tính mạng nên bạn đừng bỏ qua cách sơ cứu tại nhà sau đây nhé.
Ngộ độc thực phẩm là gì?
Ngộ độc thức ăn là một tình trạng diễn ra do người bệnh ăn phải các đồ ăn hoặc thức uống bị nhiễm độc, ôi thiu hoặc chứa các độc chất tự nhiên,… Bệnh còn được gọi với tên khác là trúng thực, gây nguy hại cho sức khỏe con người.
Nguyên nhân bị ngộ độc thức ăn
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng ngộ độc thực phẩm và có một số các nguyên nhân chính sau đây:
- Thực phẩm đã bị nhiễm các loại vi khuẩn, ký sinh trùng hoặc virus có hại.
- Thực phẩm có chứa các độc chất phụ gia như chất tạo màu, chất bảo quản, chất tạo vị, tạo mùi,… với hàm lượng quá mức cho phép.
- Thực phẩm trong bản chất có chứa độc chất tự nhiên hoặc bị nhiễm một số các độc chất do sống trong môi trường bị ô nhiễm lâu dài.
Các dạng ngộ độc thức ăn và triệu chứng
Ngộ độc thức ăn là một trong những tình trạng có ảnh hưởng rất nghiêm trọng tới sức khỏe của người bệnh. Dưới đây là các dạng trúng thực cùng những biểu hiện rõ ràng để bạn có thể nhận biết và điều trị kịp thời.
Ngộ độc thực phẩm cấp tính
Đây là dạng trúng thực phát tác ngay sau khi ăn với một số biểu hiện bên ngoài như đau bụng đi ngoài, buồn nôn chóng mặt, hoa mắt và mệt mỏi,… Ngộ độc thức ăn sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng nếu bệnh nhân xuất hiện các dấu hiệu nặng ở đường tiêu hoá như nhiễm trùng, mất nước và thậm chí là có thêm một số các biểu hiện như sau:
- Thần kinh bị rối loạn khiến mắt mờ, nhìn đôi, khó nói, co giật, chóng mặt, đau đầu và cơ bị tê liệt.
- Tim mạch rối loạn với tình trạng tụt huyết áp và rối loạn nhịp tim.
- Trong phân có lẫn máu hoặc các chất nhầy, tiểu ít và cảm thấy đau dữ đội tại các vị trí ngoài bụng như hàm, cổ, họng và ngực.
- Sức đề kháng giảm đi, đặc biệt là ở trẻ em và người cao tuổi hoặc người đang dùng thuốc ức chế miễn dịch, người bị bệnh gan, rối loạn sắc tố, dạ dày tá tràng.
Thông thường, ngộ độc thức ăn cấp tính sẽ xuất hiện ngay sau khi ăn một vài phút hoặc có thể là vài giờ, 1 – 2 ngày sau đó. Nếu ở dạng nặng, bệnh có thể sẽ dẫn tới tử vong và nhẹ sẽ gây suy kiệt cả về thể chất và tinh thần của người bệnh.
Ngộ độc mãn tính
Ngộ độc mãn tính là dạng ngộ độc không được biểu hiện rõ ràng bởi bất cứ triệu chứng nào và cũng không phát tác ngay. Ở dạng này, độc chất có trong thực phẩm sẽ đi vào và tích tụ ở những bộ phận của cơ thể rồi gây ra ảnh hưởng tới quá trình trao đổi chất và lâu dài dẫn tới bệnh lý ung thư hoặc một số các bệnh tật nghiêm trọng khác.
Sơ cứu và xử lý ngộ độc thực phẩm như thế nào?
Bất cứ thời điểm nào nhận thấy bản thân bạn hay những người xung quanh mình có biểu hiện của ngộ độc thức ăn đã được nêu ở trên, đừng luống cuống mà hãy bình tĩnh để áp dụng các biện pháp sơ cứu kịp thời. Điều này sẽ giúp giảm thiểu những triệu chứng bệnh lý, đồng thời không để tác động xấu đến sức khỏe của người bệnh.
Gây nôn khi bị ngộ độc
Đối với những bệnh nhân xuất hiện triệu chứng buồn nôn hoặc người bệnh đang trong tình trạng tỉnh táo, cần phải kích thích nôn ra hết thức ăn trong dạ dày bằng mọi biện pháp. Trong đó, sử dụng ngón trò ép góc lưỡi người bệnh hoặc pha muối với nước ấm là 2 phương thức được áp dụng nhiều nhất và kích thích người bệnh nôn ra càng nhiều càng tốt.
Việc áp dụng phương pháp gây nôn sẽ loại bỏ được một phần hoặc hoàn toàn các độc chất và thực phẩm trong dạ dày, nhằm hạn chế ở mức tối đa các độc tố ngấm vào trong cơ thể. Bạn cần lưu ý một số những điều sau đây trong quá trình gây nôn:
- Cần cho người bệnh nằm nghiêng khi kích thích gây nôn và kê cao phần đầu để hạn chế nguy cơ bị tử vong do ngạt thở hoặc bị sặc. Đặc biệt, với trẻ em cần hết sức cẩn trọng để không gây xước phần cổ họng.
- Nên giữ lại những mẫu thực phẩm nghi ngờ gây độc và thậm chí là những mẫu thực phẩm người bệnh nôn ra để có thể khám nghiệm và xác định được nguyên nhân chính xác gây ngộ độc.
Bù nước khi bị ngộ độc thực phẩm
Người bị ngộ độc thực phẩm có thể sẽ bị tiêu chảy và nôn mửa nhiều lần nên tình trạng mất nước là không thể tránh khỏi và cần được bù nước, cho cơ thể nghỉ ngơi. Dung dịch Oresol thường được sử dụng để bù nước cho bệnh nhân ngộ độc một cách hiệu quả với liều lượng được pha theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Khi sử dụng Oresol để bù nước phải thực hiện pha chế theo đúng liều lượng được chỉ định và dung dịch đã pha để quá 24 tiếng phải bỏ đi, đồng thời không được đun sôi dung dịch vì sẽ gây biến chất. Nếu có nhiều người cùng ngộ độc phải chia ra sử dụng riêng biệt, tuyệt đối không được uống chung vì có thể sẽ khiến người bị nhẹ trở nên nghiêm trọng hơn.
Cấp cứu
Trường hợp bạn thấy người bệnh ngộ độc thực phẩm xuất hiện triệu chứng bất thường như co giật, mất hoặc rối loạn ý thức, suy hô hấp thì gây nôn là điều tuyệt đối cấm kỵ bởi sẽ mang lại nguy cơ tử vong rất cao. Ngay cả khi đã thực hiện sơ cứu, nguy hiểm vẫn luôn đe dọa người bệnh bất cứ lúc nào. Do đó, bệnh nhân cần được đưa đi chẩn đoán nguyên nhân và điều trị tại cơ sở y tế nhanh chóng.
Biện pháp phòng ngừa bị ngộ độc thực phẩm
Phòng tránh ngộ độc thức ăn là cả một quá trình với các bước như chọn thực phẩm, chế biến, bảo quản và giữ vệ sinh thực phẩm với nguyên tắc bất di bất dịch phải nhớ là ăn chín uống sôi. Bạn hãy lưu ý kỹ lưỡng những biện pháp cụ thể dưới đây để phòng ngừa chứng trúng thực hiệu quả.
Lựa chọn thực phẩm chất lượng
Bạn hãy chọn mua các loại thực phẩm tươi sống và chất lượng tại những địa điểm uy tín, không bị ôi thiu, không hết hạn sử dụng và phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Tuyệt đối không được mua những thức ăn có chứa độc chất tự nhiên như cá nóc, nấm lạ, khoai tây mọc mầm,… hay một số các thực phẩm nhiễm độc khác.
Bảo quản thực phẩm an toàn
Thức ăn dù chưa chế biến hay đã chế biến rồi đều cần được bảo quản trong tủ lạnh với nhiệt độ phù hợp. Bạn không nên để thức ăn ở nhiệt độ môi trường thường quá 1 giờ, đặc biệt là mùa hè vì sẽ dễ dàng khiến thực phẩm bị ôi thiu và gây ra tình trạng ngộ độc thực phẩm.
Có thể bạn quan tâm:
- Niacinamide là gì ?6 tác dụng của Niacinamide trong làm đẹp
- Serum HA – Tinh chất trị sẹo và cấp ẩm tuyệt vời cho da
Chế biến thức ăn đúng cách, hợp vệ sinh
Hãy làm chính thức ăn bằng phương pháp đúng đắn và ở một nhiệt độ phù hợp, đồng thời nấu chín, đun sôi trước khi sử dụng. Các loại trái cây cần tươi cần được rửa trực tiếp dưới vòi nước. Trước, trong và sau khi chế biến thực phẩm, hãy rửa tay sạch sẽ để ngăn ngừa sự xâm nhập của vi khuẩn qua đường ăn uống ngăn ngừa ngộ độc.
Ăn uống đảm bảo vệ sinh để tránh ngộ độc thực phẩm
Không chỉ dụng cụ chế biến mà các dụng cụ sử dụng trong quá trình ăn uống cũng cần phải đảm bảo sạch sẽ. Bạn nên ăn uống ở những nơi đáp ứng an toàn vệ sinh thực phẩm và không được ăn tại các quán bụi bặm, ẩm thấp hoặc bên lề đường. Đặc biệt, “Ăn chín uống sôi” là nguyên tắc quan trọng mà bạn luôn phải ghi nhớ và áp dụng.
Có thể thấy, ảnh hưởng của ngộ độc thực phẩm đối với sức khỏe con người là rất nghiêm trọng và nếu không được chữa trị kịp thời có thể sẽ gây tử vong. Do đó, bạn đừng quên bỏ túi những phương pháp sơ cứu để ứng cứu kịp thời cho bản thân hoặc người nhà nhằm hạn chế sự nguy hại của trúng thực đối với sức khỏe nhé.