12 Dấu hiệu bệnh tiểu đường dễ nhận biết khi nào cần gặp bác sĩ

Bệnh tiểu đường được chia thành nhiều loại tiền tiểu đường, tiểu đường type 1, tiểu đường type 2 và tiểu đường thai kỳ. Sớm nhận biết những dấu hiệu bệnh tiểu đường, giúp ngăn chặn nguy cơ bệnh tiến triển.

Tiểu đường là bệnh gì?

Tiểu đường hay còn gọi là đái tháo đường là bệnh có tình trạng lượng đường trong máu luôn cao hơn mức bình thường do cơ thể bị thiếu hụt hoặc đề kháng với insulin, gây tình trạng rối loạn chuyển hóa đường trong máu. Đây là nguyên nhân cản trở cơ thể chuyển hóa các chất bột đường thành năng lượng, gây ra hiện tượng đường tích tụ tăng dần trong máu. 

Tham khảo thêm:

12 Dấu hiệu bệnh tiểu đường dễ nhận biết khi nào cần gặp bác sĩ
12 Dấu hiệu bệnh tiểu đường dễ nhận biết khi nào cần gặp bác sĩ

Lâu ngày, sự tích tụ này khiến lượng đường trong máu thường xuyên ở mức cao. Điều này làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch và các bệnh lý khác, tổn thương các bộ phận như mắt, thận…, thậm chí tử vong. Biến chứng tim mạch là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở người mắc bệnh tiểu đường.

Dấu hiệu bệnh tiểu đường dễ nhận biết

Những dấu hiệu bệnh tiểu đường dễ nhận biết đến từ nguyên nhân lượng đường trong máu cao hơn mức bình thường. Đối với tiểu đường type 2, các biểu hiện có thể nhẹ hoặc khó nhận thấy. Một số người không biết mình mắc bệnh cho đến khi gặp phải tổn thương lâu dài do bệnh gây ra.

Với tiểu đường type 1, các triệu chứng thường xảy ra nhanh chóng, trong vài ngày hoặc vài tuần. Biểu hiện tiểu đường type 1 nghiêm trọng hơn nhiều so với bệnh tiểu đường type 2.

1. Dấu hiệu sớm của bệnh tiểu đường

Bệnh đái tháo đường type 1 và type 2 cùng có chung một số dấu hiệu cảnh báo sớm (đói và mệt mỏi; đi tiểu thường xuyên và liên tục khát nước; khô miệng và ngứa da; nhìn mờ) và các dấu hiệu khác biệt, bao gồm:

Đói và mệt mỏi

Sau khi thức ăn được thu nạp, cơ thể chuyển đổi thức ăn thành glucose – nguyên liệu để các tế bào sử dụng để tạo năng lượng. Tuy nhiên, tế bào còn cần insulin để hấp thụ glucose. Nếu cơ thể không sản xuất đủ hoặc nếu các tế bào kháng lại insulin do cơ thể tạo ra, glucose sẽ không thể đi vào và tạo năng lượng. Hệ quả, cơ thể rơi vào trạng thái đói và mệt mỏi hơn bình thường.

Đi tiểu thường xuyên và liên tục khát nước 

Người bình thường thường đi tiểu từ 4-7 lần trong 24 giờ, nhưng những người mắc bệnh đái tháo đường có thể đi tiểu nhiều hơn. Nguyên nhân, thông thường, cơ thể sẽ tái hấp thu glucose khi đi qua thận. Tuy nhiên, khi lượng đường trong máu tăng cao, thận có thể không làm tốt công đoạn này, cơ thể vì thế sẽ tạo ra nhiều nước tiểu hơn. Kết quả, người bị đái tháo đường sẽ đi tiểu thường xuyên hơn, kéo theo biểu hiện khát nước liên tục. Một vòng luẩn quẩn sẽ diễn ra: uống nhiều hơn và đi tiểu nhiều hơn. Đây được xem là dấu hiệu tiểu đường rõ ràng.

Khô miệng và ngứa da 

Vì cơ thể đang tập trung sử dụng chất lỏng để tạo ra nước tiểu, nên độ ẩm không đủ để dùng cho những bộ phận khác. Do đó, tình trạng mất nước và khô miệng có thể xảy ra. Da không được cung cấp nước sẽ trở nên khô, dễ kích ứng và ngứa ngáy.

Khô miệng và ngứa da 
Khô miệng và ngứa da

Nhìn mờ

Tình trạng thay đổi lượng chất lỏng trong cơ thể cũng là nguyên nhân khiến thủy tinh thể bị sưng lên. Biểu hiện này ảnh hưởng đến tầm nhìn khiến hình dạng của vật trở nên méo mó, suy giảm độ lấy nét.

2. Triệu chứng bệnh tiểu đường type 2

Dễ bị nhiễm trùng và nhiễm nấm

Cả nam và nữ mắc bệnh đái tháo đường đều có thể mắc phải các bệnh liên quan đến nhiễm trùng nấm men. Nấm men ăn glucose, vì vậy chúng sẽ phát triển nhanh ở người có mức đường cao. Nhiễm trùng có thể xảy ra ở những bộ phận có nếp gấp nhờ hai yếu tố ấm và ẩm như rãnh giữa các ngón tay, ngón chân; dưới ngực, trong hoặc xung quanh cơ quan sinh dục.

Vết loét hoặc vết cắt lâu lành

Khi lượng đường trong máu cao diễn ra trong một thời gian dài có thể ảnh hưởng đến lưu lượng máu và gây tổn thương dây thần kinh. Điều này khiến cơ thể khó chữa lành vết thương.

Tê bì, mất cảm giác ở chân

Cảm giác đau hay tê bì chân được xem là một biểu hiện rõ rệt nhất của tình trạng tổn thương thần kinh, nguyên nhân do glucose tăng cao trong máu. Tình trạng glucose tăng cao không chỉ ảnh hưởng đến tay chân mà còn ảnh hưởng đến các dây thần kinh khác của cơ thể như dây thần kinh cảm giác nóng, lạnh và đau; dây thần kinh vận động (bệnh lý thần kinh ngoại biên) hay dây thần kinh kiểm soát các hoạt động của dạ dày, nhịp đập của tim… (bệnh lý thần kinh tự chủ).

Tổn thương thần kinh là biểu hiện đặc trưng của bệnh thần kinh đái tháo đường. Đây cũng là biến chứng thường gặp ở các bệnh nhân đái tháo đường type 1 và 2.

Có thể bạn chưa biết: Stress và đái tháo đường: Mối quan hệ mật thiết ít người để ý tới

3. Triệu chứng bệnh tiểu đường type 1

Sụt cân bất thường

Khi không thể lấy năng lượng từ thức ăn, cơ thể sẽ bắt đầu “kích hoạt” quá trình đốt cháy cơ và chất béo để lấy năng lượng. Cân nặng có thể giảm dù bạn không thay đổi thực đơn dinh dưỡng. 

Buồn nôn và nôn

Khi cơ thể chuyển hóa chất béo để lấy năng lượng, một lớp hợp chất hữu cơ (ketone) sẽ được sản sinh. Những chất này có thể tích tụ trong máu, làm cho máu có tính axit. Khi tích tụ đến một mức nguy hiểm, nhiễm toan ceton do tiểu đường có thể xảy ra, có thể đe dọa tính mạng. Buồn nôn và nôn có thể được xem là biểu hiện của tình trạng nhiễm toan ceton. Người bệnh đái tháo đường có thể cần thực hiện xét nghiệm ketone thường xuyên theo chỉ định của bác sĩ.

Gặp vấn đề về giấc ngủ (khó ngủ, ngưng thở khi ngủ…)

Người mắc bệnh đái tháo đường thường có chất lượng giấc ngủ kém, bao gồm tình trạng khó đi vào giấc ngủ hoặc buồn ngủ. Một số ngủ quá nhiều, số khác lại gặp khó khăn để ngủ đủ giấc. Ngoài ra người đái tháo đường còn gặp phải một vài rắc rối đối với giấc ngủ, như:

Chứng ngưng thở khi ngủ. Đây là triệu chứng liên quan đến việc ngừng hoạt động thở trong khi ngủ. Ngưng thở khi ngủ dẫn đến nồng độ oxy trong máu thấp do đường hô hấp trên bị tắc nghẽn trong lúc ngủ, ngăn không khí đến phổi. Mức oxy trong máu xuống thấp cũng gây ảnh hưởng đến chức năng não và tim. Có đến 2/3 số người thừa cân bị mắc chứng ngưng thở khi ngủ.

Hội chứng này cũng làm thay đổi các giai đoạn của giấc ngủ. Một số nghiên cứu đã nhận thấy mối liên kết giữa tình trạng xáo trộn giấc ngủ với suy giảm hormone tăng trưởng. Hormone này vốn đảm nhiệm vai trò hỗ trợ quá trình tăng trưởng của cơ thể, sửa chữa tế bào và trao đổi chất. Khi rơi vào trạng thái suy giảm, hệ lụy kéo theo là tình trạng tăng mỡ toàn thân, hình thành mỡ bụng và khó tạo cơ. Ngoài ra, hội chứng ngưng thở khi ngủ cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của bệnh đái tháo đường và tình trạng kháng insulin xảy ra ở người bệnh.

Những biến chứng nguy hiểm của người bệnh liên quan đến giấc ngủ
Những biến chứng nguy hiểm của người bệnh liên quan đến giấc ngủ

Có thể bạn quan tâm:

  • Bệnh lý thần kinh ngoại biên, hoặc tổn thương các dây thần kinh ở bàn chân và chân cũng là nguyên nhân khiến giấc ngủ bị gián đoạn. Tổn thương dây thần kinh này có thể gây mất cảm giác ở bàn chân hoặc các triệu chứng như ngứa ran, tê, rát và đau.
  • Hội chứng chân không yên là một chứng rối loạn giấc ngủ với điểm đặc trưng là sự kích thích dữ dội ham muốn di chuyển chân, người bệnh khó có thể cưỡng lại cảm giác này. Rối loạn giấc ngủ này thường đi kèm với biểu hiện ngứa ran, tê, rát hoặc đau chân, khiến người bệnh khó đi vào giấc ngủ hoặc giấc ngủ không thể diễn ra.
  • Hạ và tăng đường huyết cao. Cả hai tình trạng đường huyết này đều ảnh hưởng đến giấc ngủ của người bệnh đái tháo đường. Nếu tăng đường huyết khiến người bệnh cảm thấy khó chịu, bất an, nóng nực thì hạ đường huyết gây cảm giác đói, chóng mặt, hoa mắt, vã mồ hôi. Những biểu hiện này ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giấc ngủ hoặc khó khăn khi vào giấc.
  • Ngủ ngáy. Tình trạng ngủ ngáy có thể đến từ nguyên nhân béo phì hoặc thu nạp nhiều chất béo. Béo phì làm tăng nguy cơ mắc phải tình trạng ngưng thở khi ngủ, tiểu đường loại 2, bệnh tim, tăng huyết áp, viêm khớp và đột quỵ.

4. Cách nhận biết dấu hiệu bệnh tiểu đường thai kỳ

Bệnh tiểu đường thai kỳ thường không có triệu chứng rõ rệt. Tuy nhiên, một vài dấu hiệu nhận biết bệnh tiểu đường thai kỳ có thể kể đến:

  • Khát nhiều
  • Đi tiểu nhiều hơn
  • Mau đói hơn
  • Nhìn mờ

Mang thai khiến hầu hết phụ nữ thường đi tiểu nhiều và mau đói, vì vậy những triệu chứng bệnh tiểu đường có thể dễ nhầm lẫn. Do đó, mẹ bầu cần thực hiện các xét nghiệm cần thiết để xác định có hay không bệnh tiểu đường. Lượng đường trong máu cao có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng cho cả mẹ và thai nhi.

Ngủ gà ngủ gật có phải dấu hiệu bệnh tiểu đường?

Ngủ gà ngủ gật là trạng thái ngủ không sâu và dễ bị thức giấc bởi những tác động xung quanh như âm thanh, tiếng ồn, nhiệt độ… Căn cứ vào dấu hiệu nhận biết liên quan đến giấc ngủ, những người có biểu hiện khó ngủ, ngủ không sâu dễ rơi vào trạng thái này. Do đó, nếu tình trạng ngủ diễn ra trong một thời gian, người bệnh nên đi khám để chắc chắn về tình trạng sức khỏe của bản thân.

Cùng với ngủ gà ngủ gật, “trùng da mắt” sau khi “căng da bụng” cũng được xem là cách nhận biết dấu hiệu bệnh tiểu đường. Giải thích tình trạng này, khi cơ thể thu nạp một lượng lớn tinh bột, sẽ xảy ra tình trạng dư thừa glucose. Khi ấy cần phải có một lượng lớn insulin thích hợp để đẩy nhiều glucose hơn vào tế bào. Điều này cũng khiến lượng đường trong máu giảm mạnh. Tuy nhiên, khi lượng đường dư thừa được giải phóng, cơ thể lại rơi vào trạng thái hạ đường huyết quá mức, còn các chất dinh dưỡng chưa được chuyển tới não bộ nên gây ra tình trạng buồn ngủ. Tình trạng này diễn ra thường xuyên, insulin tiết ra quá mức lặp lại nhiều lần được xem là biểu hiện của bệnh đái tháo đường.

Khi nào thì nên gặp bác sĩ?

Bất cứ ai cũng nên đi khám chuyên khoa Nội tiết – Đái tháo đường nếu xuất hiện các biểu hiện sớm bệnh tiểu đường. Ngoài ra, đặc biệt chú ý đến các dấu hiệu như đau bụng, yếu và rất khát; đi tiểu nhiều, đau bụng dữ dội; thở sâu và nhanh hơn bình thường; hơi thở có mùi thơm như mùi táo chín, mùi sơn móng tay (dấu hiệu cho thấy lượng ceton trong máu rất cao)…, chúng có thể là dấu hiệu của bệnh tiểu đường đã tiến triển.

Nghiên cứu cũng cho thấy những yếu tố nguy cơ như độ tuổi, trong gia đình có người thân mắc bệnh… cũng cần được theo dõi. Theo đó, nếu bạn nằm trong độ tuổi trên 45 hoặc có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, nên đi khám và thực hiện các xét nghiệm. Việc làm này nhằm phát hiện sớm tình trạng bệnh, tránh những tổn thương thần kinh, rối loạn tim và các biến chứng khác. 

Bên cạnh các dấu hiệu sớm, khi có biến chứng xảy ra, người bệnh cũng nên nhanh chóng đi khám để được bác sĩ chỉ định điều trị, giảm nguy cơ bệnh diễn tiến nặng hơn. Chúng bao gồm: 

  • Vết loét hoặc vết cắt da lâu lành
  • Ngứa da (quanh âm đạo hoặc bẹn)
  • Nhiễm trùng nấm men thường xuyên
  • Tăng cân đột ngột
  • Màu sắc và tính chất da thay đổi (da sậm màu, mịn ở cổ, nách và bẹn)
  • Tê và ngứa ran bàn tay và bàn chân
  • Giảm thị lực
  • Bất lực hoặc rối loạn cương dương (ED)
  • Hạ đường huyết hoặc lượng đường trong máu thấp, biểu hiện bởi dấu hiệu: yếu mệt; hồi hộp/lo lắng; mồ hôi, ớn lạnh; cáu kỉnh/thiếu kiên nhẫn; bối rối, chóng mặt, đói bụng, ngáy ngủ, cảm thấy đau hoặc tê môi, lưỡi/má.
  • Những biểu hiện đáng chú ý khác như: tim đập nhanh, da nhợt nhạt, nhìn mờ, đau đầu; gặp ác mộng hoặc khóc khi ngủ; co giật.
  • Tăng đường huyết cũng được xem là dấu hiệu tiểu đường với biểu hiện: khát nhiều, mờ mắt, đi tiểu nhiều, mau đói, chân tê hoặc ngứa ran, mệt mỏi, đường trong nước tiểu, giảm cân, nhiễm trùng da và âm đạo, vết cắt và vết loét lâu lành, đường huyết > 180mg/dl.
  • Hội chứng tăng áp lực thẩm thấu do tăng đường huyết không nhiễm ceton. Biến chứng này phổ biến hơn ở nhóm người tiểu đường type 2, có thể dẫn đến hôn mê, thậm chí tử vong. Biến chứng xảy ra khi lượng đường trong máu quá cao và cơ thể rơi vào tình trạng mất nước nghiêm trọng. Các triệu chứng bao gồm: đường huyết trên 600 mg/dl; miệng khô háo; khát nước cực độ; da khô, ấm, không đổ mồ hôi; sốt cao (trên 38 độ C); buồn ngủ hoặc lú lẫn; mất thị lực; ảo giác; yếu một bên cơ thể.

Đến nay, y học vẫn chưa có cách chữa khỏi bệnh tiểu đường. Do đó, bất cứ ai cũng cần theo dõi sức khỏe và nhận ra sớm những dấu hiệu bệnh tiểu đường. Song song với đó, cần có kế hoạch phòng ngừa bệnh tiểu đường ghé thăm thông qua những việc làm cụ thể: Giữ lượng đường trong máu càng gần mức bình thường càng tốt bằng cách cân bằng lượng thức ăn với thuốc và vận động. Duy trì mức cholesterol và chất béo trung tính (lipid) trong máu ở mức bình thường: tránh thêm đường và tinh bột đã qua chế biến, giảm thu nạp chất béo bão hòa và cholesterol. Kiểm soát huyết áp, không vượt quá 130/80. Làm chậm/ngăn chặn sự phát triển của các vấn đề sức khỏe liên quan đến bệnh tiểu đường.

Bài viết gần đây